Mô tả sách:
Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định xem người tiêu dùng có mua sản phẩm của mình hay không? Nhưng giá cả thế nào mới đúng, khuyến mãi thế nào cho chính xác, cuộc chiến giá cả trên thương trường chưa bao giờ kết thúc. Có kiến thức nền sâu sắc về giá cả trong chiến lược kinh doanh, tác giả Hidenobu Senga đã viết nên cuốn “Giá trong chiến lược kinh doanh” được rất nhiều doanh nhân trẻ đón đọc và đánh giá tích cực.
Cuốn sách được chia làm năm phần với sự phân tích kỹ lưỡng và ví dụ cụ thể đã mang lại cho độc giả cái nhìn chân thực mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing và chính sách về giá cả.
Phần 1: Nếu chiến lược thay đổi thì giá cả cũng thay đổi
Cùng lý giải sự khác biệt giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược marketing, giữa cửa hàng tiện lợi và chiến lược “My Basket” của siêu thị cỡ nhỏ đã làm rõ ra những nhầm lẫn mà trước đây không ít người kinh doanh gặp phải. Chỉ khi hiểu rõ được khái niệm, tường tận từng công thức giá cả thì khi đó ta mới có thể bán được sản phẩm với giá tốt nhất.
Phần 2: Tại sao Starbucks lại không hạ giá?
“Giá trị của cốc cà phê được quyết định bởi điều gì?”, “Một tách cà phê tại phòng chờ của khách sạn hạng sang, có giá gấp đôi một tách cà phê ở quán cà phê lâu đời?” là những câu hỏi được đặt ra trong phần này cùng với những kiến thức về tận dụng giá trị thương hiệu, chi phí biến đổi hay biên lợi nhuận. Ví dụ thực tế là thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks trong chiến lược giá cả và xây dựng thương hiệu mở rộng cho độc giả những bài học kinh doanh đắt giá trong chiến thuật “không bao giờ giảm giá” của hãng cà phê trứ danh này.
Phần 3: Chiến thuật giá cả tạo cảm giác “muốn mua”
Bạn đã từng thấy các chương trình khuyến mãi “Mua một tặng một”, “ Nửa giá cho bộ thứ 2” hay “ Giảm còn x9, xx9, xxx9 nghìn đồng” và không ngần ngại tiêu tiền để tranh thủ mua được món hàng mình thích vì nghĩ rằng mình đang lời thì xin chia buồn với bạn, bạn đã mắc bẫy hiệu ứng tâm lý của của các nhà kinh doanh. Những công thức tính toán chi tiết, những ví dụ cụ thể được đưa ra giúp cho các độc giả hiểu được chiến dịch “khuyến mãi” này đã thắng như thế nào.
Phần 4: Phương pháp kiếm lời đằng sau chiến thuật giá rẻ là gì?
Nhiều khi bạn băn khoăn những cửa hàng tiện lợi cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá rẻ thì lấy đâu ra lợi nhuận.Bằng ví dụ tính toán từ một cửa hàng mì Udon tự phục vụ, độc giả có thể thấy được chiến thuật “bán mì tự phục vụ giá rẻ” cũng hề đơn giản như chúng ta tưởng tượng.
Phần 5: Những bí quyết thiết lập giá cả từ những kiến thức thu được
Tăng cường “cảm giác con số” là một trong những bí quyết thiết lập giá cả trên nền tảng kiến thức. Những chiêu bài như “giảm giá khi đăng kí sớm”, “tuần lễ vàng”,v.v đã giúp các nhà doanh nghiệp thu được lợi nhuận không hề nhỏ. Những kiến thức về giá cổ phiếu doanh nghiệp hay sự biến động của giá cổ phiếu trong ngắn hạn nhờ hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận cũng được tác giả phân tích kỹ lưỡng nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về thị trường giá trong kinh doanh.