Mô tả sách:
Một Phút Suy Ngẫm
Hay là Truyện đọc 60 giây của Lê Đức Quang
“Tôi không rõ, trước Lê Đức Quang và sau này, có cây bút nào viết được hơn 100 truyện ngắn mini hay không. Nhưng hiện nay, có vẻ như Lê Đức Quang đang giữ kỷ lục “tác giả viết truyện cực ngắn nhiều nhất Việt Nam”.
Cũng xin nói ngay, kỉ lục này là một sự ghi nhận kết quả lao động bền bỉ của một ngòi bút. Nhưng kỷ lục không nói lên điều gì, nếu sáng tác chỉ đơn thuần là chạy đua số lượng.
Thật may, Lê Đức Quang như người nông dân cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa, mà khi giật mình ngoảnh lại, mới hay mình đã dầm dề trong suốt 20 năm trời. Hai mươi năm cho hơn 100 truyện ngắn cực ngắn là ít hay nhiều? Thực ra, điều đó cũng không nói lên gì nhiều, chỉ biết rằng anh rất mê thể loại này, và đã cần mẫn yêu thương nó như người nông dân yêu mùa màng của mình.”
(Nhà văn Trần Nhã Thụy)
MỘT PHÚT SUY NGẪM (Hay là Truyện đọc 60 giây) của Lê Đức Quang, hầu hết là chuyện kể, ít có chuyện thành truyện (micro fiction) Nghĩa là tính chất hư cấu trong truyện Lê Đức Quang rất ít, thậm chí là không có.
Sinh ra lớn lên ở nông thôn miền Trung thời bao cấp. Lớn lên thì ra tỉnh rồi vô thành phố trọ học. Học xong ra trường, về quê lại ra tỉnh. Nhưng cũng nhờ cái mạch quê chưa đứt ấy, mà Lê Đức Quang trở thành người kể chuyện đời, người kể chuyện làng quê giữa thời hiện đại này.
Chuyện một một cặp vợ chồng trẻ từng là bạn học thuở hàn vi, “tôi vốn nghèo, em cũng chẳng cao sang”. Nhưng người vợ nhường ước mơ làm thầy giáo cho chồng, dù chị cũng học giỏi không kém. Anh ra trường đi dạy trường huyện, rồi muốn lên học lên nữa để được về trường tỉnh, chị khuyến khích anh học tiếp, nhận về mình phần chạy vạy chăm con, vun vén cho chồng. Không ngờ anh ra tỉnh học bằng cấp cao thì cặp bồ với người “cùng đẳng cấp”. Vợ chồng chia tay. Đứa con sau này tình cờ biết được cha mình cũng ở cùng thành phố nên trách móc, thì chị nói: “Đừng giận ba, vì chính mẹ đã hoán đổi giấc mơ đời mẹ cho ba rồi” (Hoán đổi ước mơ)
Chuyện ở quán nhậu vỉa hè thành phố. Chiều nào đôi bạn nhậu cũng thấy người phụ nữ thợ hồ đi nhậu với mấy tay thợ đàn ông. Họ tỏ ra không ưa người phụ nữ này. Một hôm tình cờ họ mới biết chị này vốn không ưa gì nhậu nhẹt, nhưng tay cai thợ cứ bắt đi nhậu cho xôm tụ, không đi thì bị đì. Họ đâm ra thông cảm, mến thương. Nhưng rồi một ngày nọ họ không thấy người phụ nữ thợ hồ đâu nữa. Trong lòng họ dâng lên một nỗi buồn không tên (Nỗi buồn không tên)
Chuyện anh chồng giáo viên, chị vợ bán tạp hóa lặt vặt trong nhà. Chị cần kiệm, chắt bóp từng đồng. Anh thương vợ, muốn mua món quà gì đó tặng vợ, nhưng lần khân mãi, cuối cùng sau nhiều năm anh mới mua được chậu lan hồ điệp trị giá 2 triệu đồng. Nhưng sợ vợ tiếc tiền, anh nói dối mà mua có 400 ngàn đồng. Tưởng vợ vui vì chị xuýt xoa khen chậu lan đẹp quá. Không ngờ hôm sau anh đi dạy về thì thấy chậu lan biến mất. Hỏi ra thì chị bán rồi, vì có ông khách thích quá, trả giá tới 1 triệu đồng. Mua có 400 ngàn mà bán tới 1 triệu, lời tới 600 ngàn đồng. Chị khoe với anh. Còn anh thì không biết nói sao, chỉ thấy bùi ngùi. (Chậu hoa lan)
Nhiều, rất nhiều những chuyện như vậy.
Đó là những chuyện như xảy ra hằng ngày, mà ta không thấy, hoặc ta từng chứng kiến nhưng rồi hững hờ quên nhanh. Lê Đức Quang lại thủ thỉ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện ấy. Không răn dạy hay rút đúc gì. Cũng không triết lý, hay cài đặt gì. Lê Đức Quang cứ thủ thỉ kể. Từ chuyện ấu thơ ở làng quê tới chuyện hôm nay ở phố thị. Chuyện bạn bè. Chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chuyện thế thái nhân tình. Tất cả, Lê Đức Quang gói vào từng truyện ngắn, vài trăm chữ, đọc chỉ mất 1 phút là xong.
Nhưng thật khó quên. Như một ánh mắt, chưa tới một giây, có khi lại nhớ nhau cả đời.