Mô tả sách:
Vũ Trọng Phụng - Kỹ Nghệ Lấy Tây Và Những Truyện Khác
Ai đã từng đọc qua sách “Cạm Bẫy Người” chắc cũng nhận thấy rằng ngòi bút phóng sự của ông Vũ Trọng Phụng đã nói tới một độ rất cao trong nghệ thuật. Không những ngòi bút ấy đã ghi được sự thực, lại còn ghi được cả cái thực trạng của sự thực nữa: ghi được cái trạng thái biến hiện trong chớp mắt, cái trạng thái phức tạp hỗn độn và bình dị linh hoạt của sự thực hàng ngày xô đẩy quanh mình. Nếu phải giới thiệu với quốc dân thiên “Kỹ Nghệ Lấy Tây” về phương diện phóng sự, thì tài nghệ của tác giả trong những tác phẩm đã nói trên kia đủ làm đảm bảo chắc chắn rồi.Cuốn sách này, tôi không muốn chỉ coi là một thiên phóng sự.
Tôi muốn đặt nó vào hàng những công trình có ảnh hưởng xa rộng hơn, những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ, những công trình giúp được tài liệu cho đời sau khảo xét về buổi này. Buổi này là một buổi hy sinh. Đời chúng ta chỉ là một độ đường phải qua, một số năm, tháng phải phí để đi đến một tổ chức, một trật tự mới. Vừa ở thế giới cũ bàng hoàng bước sang thế giới mới, chúng ta tuy vẫn hành động, vẫn tiến thủ, nhưng chỉ là thử đất dò đường, đi hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác, chưa đặt được căn bản vững cho cuộc sinh tồn. Cái căn bản ấy, phải xây đắp nên được là công cuộc của thời gian. Trong khi chờ thời gian ta chỉ gọi là sống một cuộc đời bơ vơ trôi nổi.Cuộc đời “hy sinh” này gây cho ta nhiều điều bi phẫn, nhưng, đứng vào phương diện một nhà cầm bút, thì buổi đời lại mở ra được nhiều đất mới để vun trồng tài nghệ.
Nước ta hiện đương sống một cuộc đời biến đổi lạ lùng, không có hai trong lịch sử. Chỉ trong vòng ngoài năm mươi năm, bao nhiêu lề thói, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hình dạng của bốn nghìn năm phải phá huỷ đi gần hết. Vậy hiện tượng của cuộc biến đổi ấy như thế nào, sức xung đột của Đông Tây ảnh hưởng vào đời vật chất và tinh thần của xã hội ra sao, há chẳng là những điều nên mô tả ra cho đời sau được biết ư? Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử, nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét, suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi? Ở buổi giao thời này, nhà cầm bút không nên phí thời giờ đem tài nghệ ra phụng sự cho những vấn đề đời nào người ta cũng có dịp nghĩ đến, những vấn đề “thiên cổ” làm thắc mắc tâm óc của nhân loại những tự xưa rồi.
Công việc ấy là công việc đời thái bình. Bây giờ nhà cầm bút đương đứng làm chứng cho cuộc tàn phá xã hội cũ, và xây đắp xã hội mới, phải nghĩ thuật lại cho đời sau biết một vài trong muôn nghìn công cuộc hoặc đã gây nên thời cục, hoặc ở trong thời cục mà ra. Tôi riêng nghĩ về bổn phận người cầm bút bây giờ là thế, chắc ý kiến không khỏi có chỗ sai nhầm hoặc sơ lậu. Nhưng tôi cũng đánh bạo viết ra đây, vì tôi cho rằng cuốn “Kỹ nghệ lấy Tây” đã đưa tác giả vào con đường bổn phận theo như tôi hiểu. Mong rằng cuốn sách này, quốc dân sẽ không hoan nghênh nó như hoan nghênh những cuốn sách đọc tiêu khiển trong nửa giờ.