Mô tả sách:
Tác phẩm
Lời nguyện cầu Chernobyl có thể được coi là một bản dịch mới so với ấn bản Lời nguyện cầu từ Chernobyl cũng do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2016. Chính tác giả Svetlana Alexievich đã chỉnh sửa, bổ sung đáng kể cho tác phẩm phi hư cấu đặc biệt này: Bà bổ sung một chương tác giả tự phỏng vấn bản thân và phần “Thay cho lời kết” cùng một số câu, đoạn trong các cuộc độc thoại; đồng thời cũng thay đổi hầu hết tên những cuộc độc thoại trong tác phẩm. Lời nguyện cầu Chernobyl ra mắt dựa trên tinh thần trung thành hết mức có thể với nguyên tác và phần cập nhật đầy đủ – là tâm huyết của hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Bích Lan.
Lựa chọn Svetlana Alexievich là tác giả nhận giải Nobel Văn chương năm 2015, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định rằng: “Svetlana Alexievich được trao giải vì những trang viết đa dạng về giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta.”
Trong số những tác phẩm đáng giá của bà, có thể nhắc tới Lời nguyện cầu Chernobyl như một thí dụ tiêu biểu cho thể loại phi-hư cấu song lại giàu sức lay động không thua kém một sáng tác văn chương có giá trị nào.
Tờ Publishers Weekly coi Lời nguyện cầu Chernobyl là “cuộc chiếu X quang tâm hồn Nga”, trong đó, tác giả đã kiên trì và thầm lặng thực hiện những cuộc phỏng vấn với 500 nhân chứng có liên quan tới thảm họa nhân loại tàn khốc này: lính cứu hỏa, đội cứu hộ, chính trị gia, nhà vật lí, nhà tâm lí v.v. và những thường dân. Nhìn từ góc độ chính trị, “có lẽ không phải cuộc cải tổ của Gorbachev, Chernobyl mới chính là nguyên nhân thực sự khiến Liên bang Xô viết sụp đổ” (Political Affairs). Nhìn từ lăng kính xã hội, đây là thành quả gom nhặt hơn 10 năm những nỗi đau “tàn khốc và dữ dội” (New York Times Book Review) khiến cả thế giới một lần nữa phải bàng hoàng.
Có lẽ Alexievich đã quyết tâm truyền đi Lời nguyện cầu Chernobyl không phải ở tư cách một nhà báo hay nhà văn, mà trước hết ở tư cách một người Belarus ghi chép về “sự sống và cái chết của đồng bào mình” (The Nation). Chính vì vậy, không khó hiểu khi bà khơi sâu được “cảm giác lặng đi chẳng nói nên lời, cái ‘khôn tả’, tính anh hùng và niềm đau thương” (The Telegraph).
Tác giả
Svetlana Alexievich (31/5/1948) – nhà văn, nhà báo người Belarus từng được trao các giải thưởng:
- Giải thưởng Văn học Nikolay Ostrovskiy, Liên Xô (1984)
- Giải thưởng Lenin Komsomol (1986)
- Giải thưởng văn học Literaturnaya Gazeta (1887)
- Giải thưởng Sách Leipziger vì sự hiểu biết tại châu Âu (1998)
- Giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình sách quốc gia, Mĩ (2013)
- Giải Nobel Văn chương 2015
Các tác phẩm tiêu biểu:
- The Unwomanly Face of War (Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ)
- The Chernobyl Prayer (Lời nguyện cầu Chernobyl)
- Zinky Boys (Những chàng trai kẽm)
- The Last Witnesses (Những nhân chứng cuối cùng)
- The Last of Soviets (Những người Xô viết cuối cùng)
Trang bản quyền:
The Chernobyl Prayer
© 2013 by Svetlana Alexievich
Dịch từ bản tiếng Anh: The Chernobyl Prayer
Bản quyền tiếng Việt Ó Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2020
Bìa 4:
“Svetlana Alexievich được trao giải Nobel vì những trang viết đa dạng về giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sự chịu đựng và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta.” - Trích Thông cáo về Giải Nobel Văn chương 2015
“... một cuộc chiếu X quang tâm hồn Nga.” - Publishers Weekly
“Có lẽ không phải cuộc cải tổ của Gorbachev, Chernobyl mới chính là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Chúng ta hãy đọc rồi sẽ biết!” - Political Affairs
“Tàn khốc và dữ dội, những câu chuyện phát triển qua từng trang như các nuclit cư trú trong cơ thể những người sống sót.” - New York Times Book Review
“Kĩ thuật của Alexievich là sự đan dệt đầy sức mạnh của tài hùng biện, cảm giác lặng đi không nói lên lời, cái bất lực trong miêu tả mà người ta gọi là ‘khôn tả’, tính anh hùng và niềm đau thương. Từ những phần độc thoại của các nhân chứng bà đã tạo ra một lịch sử mà người đọc, dù ở bất cứ khoảng cách nào so với các sự kiện, đều có thể tiếp cận. Nếu bạn có chút tò mò về tương lai thì tôi thúc giục bạn đọc cuốn sách này.” - Julian Evans, The Telegraph
“Cuốn sách xuất sắc này nói về sự sống và cái chết của những đồng bào Belarus của Svetlana Alexievich… Bộ sưu tập lời chứng có một không hai.” - The Nation